(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận báo cáo giao dịch từ những tổ chức tín dụng liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây vận chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, về thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ.
Người đứng đầu NHNN khẳng định thị trường "chợ đen", mua bán, trao đổi ngoại tệ là thị trường ngoại tệ phi chính thức, không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật, không được NHNN cấp phép. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm giao dịch là hợp pháp, hợp lệ.
Về vụ việc chuyển tiền trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, lãnh đạo NHNN cho hay theo Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản pháp luật liên quan, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực.
Vụ chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, đối tượng mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất để hợp thức hóa (Mạnh Quân).
Cùng với đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức tín dụng phải báo cáo số liệu chuyển tiền thông qua hệ thống báo cáo thống kê; các giao dịch có giá trị lớn.
Khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt mức giá trị theo quy định của NHNN (từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) cũng phải báo cáo NHNN.
Lãnh đạo NHNN thông tin từ năm 2017, NHNN đã tiếp nhận các báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức tín dụng liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt. Trên cơ sở phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, NHNN đã chuyển giao cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để điều tra làm rõ.
Trước đó, Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 bị can khác bị truy tố về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới". Theo truy tố, năm 2016, thấy nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị can Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh).
Sau đó, Nguyệt cùng đồng phạm hợp thức hồ sơ dưới dạng xuất nhập khẩu hàng hóa để chuyển tiền thông qua 3 doanh nghiệp và 8 công ty "ma" do vợ chồng Nguyệt lập ra, cấu kết với một số nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở Móng Cái (Quảng Ninh) để thực hiện các phi vụ chuyển tiền. Từ năm 2016-2020, Nguyệt cùng đồng phạm nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, qua đó thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.